Cây giống Mận Hậu nổi tiếng ở Mộc Châu, nơi trồng nhiều và chất lượng quả ngon hơn những vùng khác. Nơi đây bầu không khí mát lạnh quanh năm cùng thổ nhưỡng đặc biệt rất phù hợp cho cây mận hậu phát triển.
Nếu có dịp đến thăm nơi đây vào dịp cuối đông khi vào thời điểm thu hoạch chính mận hậu bạn sẽ được chiêm ngưỡng một màu đỏ tràn ngập những cánh đồng mận ngút tầm mắt. Những cây mận hậu được trồng Mộc Châu có chiều cao khoảng 3m. Có những cây có tuổi đời lên đến hơn 10 năm nhưng năm nào cũng cho quả đều và sai. Người trồng mận hậu nơi đây đã biết hạn chế chiều cao của cây không cao quá đồng thời biết làm tán rộng để tăng lượng quả mọc trên cây nên năng suất ngày một cao. Do giá bán cao hơn hẳn những giống mận khác nên mận hậu đã trở thành loại cây thương hiệu và cây phát triển kinh tế của người dân nơi đây. Không những là loại quả ăn chơi mùa hè mà theo nghiên cứu của các nhà khoa học loại mận hậu này có chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao tốt cho sức khỏe.
2 – Tiêu Chuẩn Chọn Giống:
Chọn cây khỏe mạnh không sâu bệnh, có thể trồng bằng cây ghép có bầu đất hoặc cây rễ trần. Tiêu chuẩn cây giống: Cây con rễ trần tuổi từ 12 – 24 tháng, chiều cao cây từ 35 cm trở lên, đường kính gốc từ 0,6- 0,8 cm, đường kính cành ghép đo trên mắt ghép 2 cm từ 0,6- 0,7 cm. Không sâu bệnh, cụt ngọn.
3 – Thời Vụ và Mật Độ Trồng:
Trồng mận vào tháng 2 - 3 trước khi nảy lộc xuân và tháng 11- 12 sau khi rụng lá.
Mật độ 400 cây/ha, hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 5 m.
4 – Làm Đất Và Đào Hố Trồng:
Đất trồng mận có độ mùn 2- 2,5%, có tầng dày trên 50cm, đất tơi xốp, khả năng giữ ẩm tốt, dễ thoát nước. Đào hố có kích thước 60 x 60 x 60 cm hoặc 50 x 60 x 70 cm. Đào để riêng lớp đất mặt để cho xuống đáy hố. Đất có độ dốc nhỏ hơn 7% hố trồng ngang bằng mặt đất, độ dốc lớn hơn hố trồng có thể thấp hơn mặt đất 10 – 20 cm.
5 – Phân Bón Lót:
Bón mỗi hố 20 kg phân chuồng hoai + 0,2 kg lân super + 0,1 kg Kali clorua, trộn đều với đất và lấp đầy hố, sau 30 ngày tiến hành trồng.
6 – Kỹ Thuật Trồng Cây Mận Hậu:
Trồng cây giữa hố, bới một hốc nhỏ ở giữa hố trồng, đặt cây vào vị trí (nếu cây có bầu dùng dao rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra), lấp đất giữ chặt cây nén chặt xung quanh, tưới 10-15 lít nước cho 1 gốc. Cắm cọc cố định cây buộc bằng dây nilon để tránh cây bị lay gốc. Dùng cỏ rác khô tủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm cho cây.
7 – Kỹ Thuật Chăm Sóc Cây Mận Hậu:
7.1 – Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:
Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.
Phòng trừ cỏ dại: Phủ gốc chè bằng cỏ, rác, cây phân xanh... để hạn chế cỏ dại; xới phá váng sau mỗi trận mưa to. Làm cỏ vụ xuân tháng 1-2 và vụ thu tháng 8-9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2-3 lần.
7.2 – Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:
Đốn tạo cho cây phát triển theo dạng hình phễu. Mục đích của tao tán cây hình phễu là giữ lại từ 3-4 cành chính xuất phát từ một điểm của thân chính cách mặt đất khoảng 45 cm Những cành chính này luôn tạo thành một góc sao cho trung tâm của cây mở ra, cành phân bố đều các phía. quả được mọc từ các cành bên và cành chính này.
Tiến hành tỉa quả khi quả có đường kính 0,5 - 1 cm và kết thúc tỉa trước khi hạt cứng. Tỉa tạo khoảng cách giữa các quả từ 5-7 cm. Tỉa bằng biện pháp thủ công.
+ Tỉa quả:
Tiến hành tỉa quả khi quả có đường kính 0,5 - 1 cm và kết thúc tỉa trước khi hạt cứng. Tỉa tạo khoảng cách giữa các quả từ 5-7 cm. Tỉa bằng biện pháp thủ công.
7.3 – Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Mận Hậu:
* Đối với cây thời kỳ kiến thiết cơ bản:
+ Lần 1 (tháng 3): Bón 100 % phân chuồng (20 kg), 70 % lân super (0,35kg), 50 % urê (0,15 kg), 50 % Kali clorua (0,1 kg) để cung cấp dinh dưỡng nuôi cành xuân, hoa, quả.
+ Lần 2 (tháng 7): Bón 15 % phân super lân (0,075 kg), 25 % urê (0,075 kg), 25 % Kali clorua (0,05 kg) để cây phục hồi sau vụ cho quả.
+ Lần 3 (tháng 11): Bón 15 % super lân (0,075 kg), 25 % urê (0,075 kg), 25 % Kali clorua (0,05 kg). Cung cấp dinh dưỡng cho cây trước khi ngủ đông, tăng tuổi thọ cho bộ lá, hạn chế lá rụng trước tuổi, hạn chế bệnh gỉ sắt.
* Đối với cây thời kỳ kinh doanh:
+ Lần 1 (tháng 3): Bón 100 % phân chuồng, 70 % lân super, 50 % urê, 50 % Kali clorua để cung cấp dinh dưỡng nuôi cành xuân, hoa, quả. Tương đương với 30 kg phân chuồng, 0,6- 0,56 kg lân super, 0,25- 0,35 kg urê, 0,15- 0,25 kg Kali clorua .
+ Lần 2 (tháng 7): Bón 15 % phân super lân, 25 % ure, 25 % Kali clorua để cây phục hồi sau vụ cho quả. Tương đương với 0,1- 0,12 kg lân super, 0,125- 0,175 kg urê, 0,075- 0,125 kg Kali clorua.
+ Lần 3 (tháng 11): Bón lượng phân còn lại với 15 % phân super lân, 25 % ure, 25 % KCL. Tương đương với 0,1- 0,12 kg phân lân super, 0,125- 0,175 kg ure, 0,075- 0,125 kg Kali clorua. Cung cấp dinh dưỡng cho cây trước khi ngủ đông, tăng tuổi thọ cho bộ lá, hạn chế lá rụng trước tuổi, hạn chế bệnh gỉ sắt.
- Cách bón:
+ Bón phân chuồng: Cuốc hố xung quanh tán cây sâu 20 cm, rắc phân lấp đất.
+ Phân vô cơ: Gạt lớp cỏ tủ gốc rồi rắc phân trên mặt đất theo hình tán cây sau đó tưới nước, phủ lớp cỏ lên để phân bón thấm dần xuống đất và tránh sự bốc hơi gây thất thoát phân bón.
8 – Phòng Trừ Sâu Bệnh Cho Cây Mận Hậu:
- Rệp mận: Phòng trừ rệp bằng cách phun thuốc Sherpa 0,2% vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 để hạn chế nguồn gây hại trên lộc xuân. Hoặc dùng Trebon, Applaud trừ rệp cuối thời kỳ lộc xuất hiện rộ, nồng độ theo khuyến cáo của hãng sản xuất.
- Sâu đục ngọn: Dùng thuốc Regent , Padan phun 2 lần vào cuối mùa xuân đầu mùa hè và đầu mùa thu.
- Sâu đục thân: Dùng các loại thuốc Trebon, Decis 0,1% tẩm bông nhét vào lỗ sâu đục, phun diệt trứng sâu.
- Bệnh thủng lá: Phòng trừ bằng cách đốn cây, tỉa cành, tạo độ thông thoáng cho vườn quả và tán cây, vệ sinh và tiêu huỷ các lá bệnh. Phun phòng trừ bằng thuốc Mancozeb 80%, Ridomin 35%... liều lượng như khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Bệnh phấn trắng: Phòng trừ bằng cách đốn tỉa cây, tạo độ thông thoáng trong tán lá để giảm nguồn lưu trữ bệnh. Dùng thuốc thuốc Mancozeb 80%, Ridomin 35% để phun phòng trừ.
- Bệnh thối nâu: Phòng trừ bằng cách phun thuốc trừ nấm Cacbendazim, Rovral… theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì trước khi thu hoạch 30 ngày để hạn chế sự xâm nhập của nấm vào quả.
9 – Thu Hoạch và Bảo Quản:
Thu hái khi quả đã chín. Trường hợp phải vận chuyển đi xa, thu hái khi độ già khoảng 79 - 90%, trước khi quả chín 7-10 ngày.
Khi thu hái cần nhẹ nhàng, không làm dập nát, sây sát. Quả thu hái xong cần đặt vào sọt có lót rơm rạ hoặc thùng gỗ, hộp cứng để vận chuyển không bị dập nát. Bảo quản mận ở nơi khô, mát, thoáng./.